THỨ TƯ,NGÀY 22 THÁNG 4, 2020

Đánh giá Hyrule Warriors: Age of Calamity

Musou Far Musou Good.

Bởi Nguyễn Quỳnh Phong

Cập nhật: 10/05/2021, 09:52

The Legend of Zelda: Breath of the Wild là một kiệt tác kinh điển khi những tác động của nó vẫn còn sức lan tỏa đến tận bây giờ dù đã ra mắt được gần 4 năm rồi. Và một khi các fan ngoài kia đang gào thét khi không thể làm gì ngoài ngắm nhìn trailer ngắn tí tẹo của phần 2 thì Nintendo đã chiều lòng chúng ta về một tiền bản có tên: Hyrule Warriors: Age of Calamity. Câu chuyện kể về 100 năm trước sự kiện ở bản trước cùng với việc hợp tác với nhà phát triển Omega Force liệu có sẽ thỏa mãn tất cả chúng ta, dù là những người khó tính nhất?

Thay vì tiếp tục kết thúc như trước của phần 1, Nintendo lần này đã mạnh dạn chiều lòng chúng ta để kể về câu chuyện 100 năm trước đó. Link vẫn là anh chàng kị sĩ điển trai đang được giao nhiệm vụ hộ vệ cho cô công chúa xinh đẹp Zelda, người đang miễn cưỡng cố gắng để hoàn thành vai trò của một người cứu tinh cả vương quốc theo lời tiên tri mà bố cô cứ khăng khăng ép buộc. Và quan trọng hơn cả là vương quốc Hyrule vẫn rất lành lặn trước khi bị phá hủy bởi con quái vật Calamity Ganon hung dữ.

Tuy nhiên, ở phiên bản này, người chơi sẽ không thể khám phá vương quốc đẹp đẽ đó như cách đã từng làm ở trước kia. Age of Calamity lần này đã nằm gọn trong công thức của một tựa “Musou”, thứ đã từng làm tên tuổi của series Dynasty Warriors và được áp dụng cho nhiều tựa game spin off khác như One Piece, Gundam hay là Fire Emblem. Những tựa game này thì luôn giống nhau với cùng 1 cơ chế là dọn sạch hàng trăm hàng nghìn kẻ thù mà chúng không thực sự phản kháng lại rõ rệt bởi vì chúng chỉ tồn tại với mục đích để khiến bạn ngầu hơn mỗi khi quét sạch chúng. Chỉ cần vài nhát chém, lũ địch sẽ sạch bóng và đó là điều căn bản làm nên một tựa game musou. Không có tí gì phiêu lưu hay giải đố gì ở đây, chỉ đơn thuần là 1 anh hùng chói lóa khi giết sạch quái vật trên bản đồ.

Song, Age of Calamity mà cứ tôn chỉ công thức đó thì thực sự Nintendo khó lòng mà phê duyệt được dự án này và vì thế game thực sự mang rất nhiều âm hưởng của Breath of the Wild khiến tôi đánh giá rất cao ở điều này. Game thực sự đã mang công thức khác so với dòng game gốc nhưng việc sở hữu các chi tiết ở bản trước khiến người chơi cảm thấy vừa quen vừa lạ và rất dễ để đắm chìm trong game lần này.

Lên đồ, ta ra trận

Nếu bạn nghĩ phần combat có vẻ khá lặp đi lặp lại khi xem trailer thì đúng rồi đó. Khi tôi trải nghiệm hơn 50 tiếng cho tựa game này, điều đó không hề thực sự sai nhưng Omega Force luôn luôn rắc những gia vị mới để khiến các nhiệm vụ trở nên tươi mới thay vì nhàm chán. Các cứ điểm có rất nhiều cấp độ để chiếm lấy, đa dạng boss hơn để tiêu diệt và hàng tá những chiếc rương ẩn náu nửa kín nửa hở để khiến chúng ta tò mò đi tìm nếu bạn đang không muốn chiến đấu căng thẳng chẳng hạn. Bên cạnh đó, việc quay trở lại quá khứ 100 năm cũng có nghĩa Link sẽ có cơ hội gặp lại những nhà vô địch xuất sắc của vương quốc Hyrule và thật là tội ác nếu Nintendo và Omega Force không cho chúng ta được điều khiển họ.

Dĩ nhiên, nhà phát triển đã không ngu ngốc đến vậy và với tôi đây chính là điểm sáng lớn nhất khiến tôi muốn xuống tiền để sở hữu tựa game này. Việc điều khiến những chiến binh oai hùng như này đã luôn là điều mơ ước không chỉ của mình tôi mà còn là của hơn 18 triệu game thủ ngoài kia từng sở hữu phiên bản tiền nhiệm trước đó.

Mỗi một nhân vật trong game luôn có moveset khác lạ và tách biệt nên người chơi sẽ dễ dàng cảm nhận được độ nặng trong combat và có thể nhanh chóng tìm ra lối chơi của mình hơn. Tôn trọng với đúng nguyên tác, Link có thể sử dụng đa dạng các vũ khí như kiếm nhỏ 1 tay, dáo, cung tên, trong khi cô nàng xinh đẹp Impa có thể phân thân để gia tăng lượng dam cực to mỗi khi bị bao vây. Urbosa thì hóa phép vào từng lưỡi chém ngọt xớt của mình với những luồng điện giật chết người. Hay, Mipha có thể tái tạo những đài phun nước mini để hồi sức khỏe cho đồng đội và thậm chí tận dụng chúng nhằm bật cao thi triển những đòn tấn công trên không. Bên cạnh đó, Rivali kiêu ngạo cũng rất badass khi để người chơi lượn lên không trung và bắn ra cơn mưa cung tên khiến chúng ta cảm thấy phấn khích.

Bạn cũng có thể trở thành phi công khi game cho phép điều khiển những cỗ máy quái thú khổng lồ. Trước đây, chúng chỉ là địa điểm để bạn giải đố và là nơi đấu boss với từng nguyên tố tương ứng nhưng trong phiên bản lần này, bạn sẽ có cơ hội để cảm nhận sức mạnh khủng khiếp của chúng.

Về cơ bản, bạn chỉ có thể tiêu diệt những nhóm kẻ địch bé tí trước mặt và cố gắng bắn trả những tia đạn của đối phương thì nhìn chung, phần chơi này cũng chỉ được thiết kế khá sơ sài. Điều này có thể khiến game bị chia rẽ khá nhiều và làm lộ đi yếu điểm gameplay nhưng ở một khía cạnh khác, tôi lại thấy chúng giống như những màn xả stress nho nhỏ và cũng là phương tiện rõ rệt nhất để thể hiện sức mạnh kinh hoàng của những quái thú cổ đại này.

Tối giản hơn

Xin nhắc lại, đây không phải một tựa game thế giới mở, mặc dù nó sở hữu bản đồ y nguyên như trong Breath of the Wild. Thay vì lựa chọn nhiệm vụ một cách bình thường trong menu thì Omega Force đã tạo ra một bản đồ rộng lớn như người tiền nhiệm và vì thế trong khoảng thời gian người chơi lựa chọn xem nên đi đâu thì nhà phát triển liệt kê lên bản đồ đó một loạt các nhiệm vụ bên lề và hàng trăm quest phụ nhưng lại rất dễ thực hiện. Những quest kiếm vật phẩm giờ đây chỉ cần thực hiện với vài ba nút bấm là bạn đã hoàn thành. Điều này nhanh chóng trở thành một thứ tôi khá phấn khích và cơ chế lặp đi lặp lại về lý thuyết lại thú vị hơn hẳn, nhất là dành cho những game thủ có sở thích cày full game như tôi.

Vừa tiết kiệm được thời gian cho người chơi mà cũng giúp chúng ta có được cái nhìn toàn cảnh về một thế giới trước đây vốn đổ nát tro tàn nay lại nguyên vẹn bình yên. Chi tiết hơn, bạn có thể hoàn thiện các quest đó để giúp kiến thiết xây dựng khu vực riêng trên bản đồ. Bạn có thể giúp các thương gia, đội trưởng vệ binh hoặc những nhà khoa học đang ngày đêm nghiên cứu để làm sao giúp vương quốc có thế chống trả lại Calamity Ganon. Tôi có cảm giác như Breath of the Wild thì đã tan tành và đổ nát nhưng ở đây, tất cả mọi người đang cùng đoàn kết và kiến thiết xây dựng thế giới vậy.

Tuy nhiên không may mắn, mọi chuyện không hẳn dễ dàng với 2-3 nút bấm mà tôi kể trên. Đó là chỉ cách thức bạn hoàn thành quest thôi. Còn để sở hữu những vật phẩm nhằm hoàn thành quest, bạn sẽ phải ít nhất tham gia một vài nhiệm vụ bên lề để có đạt được đủ yêu cầu. Song, thời lượng hoàn thành chúng không quá dài và các mục tiêu cũng được giảm bớt nhằm tối giản hóa hơn như diệt được kẻ địch càng nhiều trong thời gian giới hạn chẳng hạn. Ưu điểm của những nhiệm vụ này ngoài việc hoàn thành quest ra thì cũng là cơ hội để bạn thử nghiệm lối chơi khi bạn sẽ có nhiều thời gian để xem các nhân vật điều khiển khác trông sẽ ra sao vì danh sách nhân vật chơi được là khá dài đấy.

Bên cạnh đó, game cũng có vẻ tối giản hơn trong việc tối ưu game thì phải khi đây lại là rào cản khá lớn cho những ai thích sự mượt mà. Game tụt frame rate một cách rõ ràng và thường xuyên hơn khi trong những màn combat dày đặc, đặc biệt là khi chơi chế độ 2 người dù đó là khi tôi và anh trai chơi bằng dock mode đó. Song, không phủ nhân, game vẫn rất đẹp và cách thiết kế bối cảnh y hệt như bản gốc vậy. Người chơi nhìn qua sẽ tưởng đây là Breath of the Wild 2 nếu không để ý gameplay mất.

Âm nhạc trong game vẫn tuyệt vời dù không sở hữu bộ nhạc khổng lồ như người tiền nhiệm khi lên tới 5 đĩa CD. Các giai điệu phù hợp với từng khoảnh khắc trong game và dễ đưa người chơi hòa mình vào bối cảnh chiến tranh đau thương này. Game cũng sở hữu hai ngôn ngữ lồng tiếng là tiếng Anh và tiếng Nhật nên với những bạn nào thích fan-service, việc chọn tiếng Nhật là một chi tiết đắt giá để thu hút fan vậy và tôi thì không thể nào chê được từng chất giọng của các diễn viên lồng tiếng cả.

Chính diện chưa chắc luôn thắng

Khi tựa game này được công bố, điều thú vị nhất chính là tiềm năng của một tựa game hành động hào nhoáng và cool ngầu lại sở hữu kết thúc đầy bi thương. Với những ai đã từng chơi Breath of the Wild, thật không khó hiểu khi chúng ta có thể dễ dàng đoán được kết thúc của game khi đây là câu chuyện của 100 năm về trước. Xin lỗi, tôi sẽ không spoil cốt truyện của Age of Calamity nhưng Breath of the Wild thì đã ra mắt gần 4 năm rồi mà và những sự kiện từ một thế kỷ trước thật không có hậu chút nào. Một loạt những anh hùng đã ngã xuống và Link thì chìm vào giấc ngủ trăm năm để đợi một ngày báo thù cho vương quốc của mình.

Tuy nhiên, nếu người chơi đã biết trước kết thúc của mình thì làm game này để làm gì. Vốn dĩ ngoài kia có hàng trăm game lại là tiền bản ra sau một game nào đó và vì thế vẫn còn rất nhiều đất diễn tiềm năng để các nhà phát triển khai thác. Bản DLC The Champions’ Ballad trước đấy cũng là một ví dụ điển hình nhất trong việc khai thác cốt truyện quá khứ cũng sẽ gây ấn tượng mạnh ra sao. Dĩ nhiên, Age of Calamity không phải DLC mà nó còn phải được giao nhiệm vụ để làm hơn thế và với tôi, khoảng thời gian sống lại 1 thế kỷ trước mà Omega tạo ra không hề tệ cho lắm.

Phần hay nhất và có lẽ ấn tượng chính là câu chuyện không chỉ xoay quanh Link mà còn là Zelda và những người khác. Zelda lần này đã được chăm chút cho câu chuyện riêng của mình khi giờ đây, chúng ta đang được theo dõi về một câu chuyện tuổi mới lớn của cô nàng tóc vàng này, một cô gái mới bước qua tuổi 16 nhưng đã phải gánh trên vai sức nặng của cả thế giới mặc dù cô không hoàn toàn biết mình có khả năng làm được điều đó hay không.

Tuy nhiên, việc để Zelda có nhiều đất diễn lại là những chi tiết đắt giá và khiến tôi sửng sốt khi dõi theo từng nhịp đập cảm xúc của cô và đây là phần hiệu quả nhất trong nỗ lực kể ra một câu chuyện có tính thuyết phục mà Nintendo đã giao phó cho Omega Force. Giống với những phiên bản Zelda gần đây như Skyward Sword hay Breath of the Wild, Zelda giờ đã có thể tự tin tỏa sáng với nhiều cung bậc cảm xúc và đưa ra những quyết định cho bản thân thay vì chỉ vào vai đơn thuần là một nạn nhân bị bắt cóc và đón chờ anh chàng kị sĩ Link đẹp trai tới giải cứu.

Song, dù đúng là câu chuyện trong game cũng khá là ổn với kha khá những khoảnh khắc tuyệt vời nhưng đâu đó trong tôi vẫn tin rằng, nhà phát triển vẫn có thể làm tốt hơn được nữa. Câu chuyện của Age of Calamity hoàn toàn có cơ hội để tạo ra sự khác biệt so với những nguyên tác dành chiến thắng của các game hành động thông thường nhưng thay vào đó Nintendo lại khá là e dè và lựa chọn con đường có phần an toàn cho câu chuyện của mình.

Kết luận

Sau khi bỏ ra 50-60 tiếng cho tựa game này, có thể chốt lại rằng khoảng thời gian đó với tôi không hề lãng phí một chút nào và tôi tin các bạn xem đến đây cũng sẽ cảm thấy vậy. Mặc dù vẫn còn nhiều tồn đọng về mặt kĩ thuật như tụt FPS nhưng khi gác tạm mặt đó, tựa game vẫn sẽ đưa bạn đắm chìm vào những nhân vật huyền thoại vốn lấy đi nước mắt của tôi vào khoảng 4 năm về trước. Tôi thực sự hy vọng Nintendo sẽ sớm ra mắt bản patch nhanh chóng hoặc các DLC để bổ sung phần chơi đơn hơn. Hey, nhưng đó chỉ là nguyện vọng của tôi thôi, còn các bạn nghĩ sao, hãy để lại comment phía dưới nhé.

Hyrule Warriors: Age of Calamity ĐÁNH GIÁ

i
8

Hay

Một phiên bản Musou không ai ngờ tới giữa bối cảnh mọi người đang chờ đón hậu bản của Breath of the Wild, nhưng may mắn nó vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Nintendo Switch

Bình luận

Tôn trọng lẫn nhau, hãy giữ cuộc tranh luận một cách văn minh và không đi vượt quá chủ đề chính. Thoải mái được chỉ trích ý kiến nhưng không được chỉ trích cá nhân. Chúng tôi sẽ xóa bình luận nếu nó vi phạm Nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi

Chưa có bình luận. Sao bạn không là người đầu tiên bình luận nhỉ?

SEARCH